Chợ Thái – niềm tự hào của Thành phố Thép

Chợ Thái – niềm tự hào của Thành phố Thép

Chợ Thái là một trung tâm thương mại lớn của tỉnh Thái Nguyên cũng như vùng Bắc Bộ, là niềm tự hào của người Thái Nguyên và người dân vùng Việt Bắc nói chung.

– Chợ Thái với vị trí đắc địa có sẵn lợi thế về thương mại, hình thành họp chợ đã có trên một trăm năm, do các thế hệ nối tiếp đời này qua đời khác cùng nhau xây dựng và vun đắp, để ngày nay “cái tên Chợ Thái” là một thương hiệu đã đi vào lòng người, trở thành một địa danh của nhân dân vùng Việt Bắc và nhân dân cả nước.

– Công trình Chợ Thái được thiết kế tổ chức mặt bằng phân khu chức năng mạch lạc không gian sống động, được nghiên cứu kết hợp giữa chợ cổ truyền và chợ hiện đại, kế thừa phát huy bản sắc văn hóa riêng của vùng Việt Bắc.

– Tòa nhà được xây dựng 4 tầng và một tầng trệt hoàn chỉnh có diện tích 45.000m²

Chợ Thái được hình thành từ năm nào chưa ai rõ, nhưng theo nhiều người kể lại, vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ “tiêu thổ để kháng chiến” thành phố Thái nguyên (TPTN) đã phải tiêu hủy nhiều công trình, nhà cửa, vườn tược, trong đó có cả các “chợ cóc”.

Những “chợ cóc” được chuyển đến gần bến sông vừa để tránh giặc, vừa thuận tiện cho việc buôn bán “trên bến, dưới thuyền”. Lúc đó, cầu Gia Bảy chưa được xây dựng nên bến sông là con đường duy nhất nối liền hai bờ nam – bắc sông Cầu với người miền xuôi muốn ngược Lạng Sơn.

Chợ Thái

Chợ được hình thành ban đầu chỉ là vài chiếc lán dựng tạm, hàng hóa lèo tèo chủ yếu là hàng tiêu dùng như cái kim, sợi chỉ; hàng nông thổ sản đem đến từ vùng Lạng Sơn về. Về sau, chợ Thái ngày càng phát triển với nhiều hàng hóa phong phú, đa dạng. Chợ Thái đã trở thành nơi bán lẻ phục vụ đời sống hàng ngày của người dân thành phố mà còn là nơi trung chuyển hàng hóa lớn nhất của tỉnh. Nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu, buôn bán của người dân thành phố và các tỉnh lân cận, từ những năm 80 của thế kỷ trước, chợ liên tục được đầu tư xây dựng khang trang cho xứng với sự phát triển của Thành phố. Đặc biệt từ năm 2008, chợ Thái được xây dựng lại gồm 4 tầng và 1 tầng trệt, với diện tích 45.000 m², thiết kế tổ chức mặt bằng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, nên chợ vừa đảm bảo tính tiện ích vừa phát huy bản sắc văn hóa riêng của vùng Việt Bắc.

 Hiện tại,  chợ đã đưa vào khai thác 4 tầng với diện tích sử dụng kinh doanh chiếm 70%. Chợ Thái từ lâu không chỉ là nơi bán lẻ mà còn là nơi trung chuyển hàng hóa đi các huyện, tỉnh lân cận với quy mô lớn nhất tỉnh. Hàng hóa ở đây không thiếu thứ gì, mùa nào thức ấy: từ mớ rau, con cá, vàng hương, bánh kẹo, hoa quả bốn mùa đến hàng quà bánh, hàng tiêu dùng: vải vóc, quần áo, giày dép, túi xách, đồ thờ cúng, đồ lưu niệm; điện, điện tử, vàng bạc, sách vở… Trên tầng 2, bên cạnh các hộ bán quần áo may sẵn còn có 4 doanh nghiệp hoạt động, với sự tham gia của Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam đáp ứng nhu cầu vốn cho các tiểu thương trong chợ và các thành phần kinh tế gần khu vực chợ; kinh doanh vàng bạc. Chợ còn có sự tham gia của 420 hộ kinh doanh, mỗi năm đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên dưới 2 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động xã hội thông qua các dịch vụ, kinh doanh.

Chợ Thái Nguyên

 Vào những ngày nghỉ hay lễ, Tết, chợ Thái thu hút hàng vạn lượt người đến tham quan, mua sắm hàng hóa. Chợ trở thành trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh cũng như vùng Tây Bắc; là biểu tượng của Thành phố Thái Nguyên, niềm tự hào, của mỗi người dân thành phố khi đi xa nhớ về. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, chợ Thái  như một nhân chứng lịch sử chứng kiến sự thăng trầm của Thành phố.

Chợ Thái nguyên

Chợ Thành Phố Thái Nguyên

Ngày nay, trên địa bàn TPTN đã có thêm nhiều chợ sầm uất và khang trang không kém như chợ Đồng Quang, chợ Thịnh Đán, chợ Tân Long…; các siêu thị lớn nhỏ, các trung tâm thương mại với lượng hàng hóa phong phú, dồi dào, nhưng chợ Thái vẫn là điểm đến hấp dẫn với mỗi du khách khi đặt chân đến đây; là sự kiểm chứng với mỗi người dân Thái Nguyên dù đi xa hay ở gần về bộ mặt kinh tế – xã hội thành phố xưa và nay. Thói quen đi chợ Thái vào những ngày nghỉ, lễ tết hay mỗi khi có bạn bè đến chơi đều muốn mời đi thăm chợ Thái, bởi chợ không thuần túy là nơi giao lưu buôn bán mà còn là điểm du lịch giải trí hấp dẫn, xua tan nỗi mệt nhọc sau mỗi tuần làm việc; nơi giao hòa tình cảm giữa con người với con người.

Từ Vân

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Chợ Thái – niềm tự hào của Thành phố Thép”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *