Thuyết Minh về Tỉnh Hòa Bình
25/02/2021 13:18
Thuyết Minh về Tỉnh Hòa Bình
Hoà Bình là tỉnh miền núi nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với địa hình vùng núi cao chia cắt, độ dốc lớn. Đặc điểm này đã tạo ra cho Hòa Bình nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, các hang động, thác nước kỳ thú; các nguồn nước khoáng nóng chất lượng cao phục vụ tốt cho phát triển các loại hình du lịch.
Hiện nay, toàn tỉnh đã phát hiện và đưa vào bảo vệ 125 di tích, danh lam, thắng cảnh. Trong đó có 41 di tích cấp quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng, 27 di tích cấp tỉnh. Từ trung tâm thành phố Hòa Bình, du khách có thể tỏa đi nhiều tuyến, điểm du lịch hấp dẫn và kỳ thú trong tỉnh, như:
– Nhà máy thủy điện Hòa Bình và khu du lịch Lòng hồ sông Đà
Nhà máy thủy điện Hòa Bình được khởi công xây dựng từ năm 1979 với 8 tổ máy, tổng công suất phát điện là 1.920 MW. Hồ Hoà Bình với diện tích mặt nước khoảng 8.000 ha, dung tích 9,5 tỷ m3, ngoài nhiệm vụ cung cấp nước cho Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình, điều tiết và cung cấp nước cho vùng Đồng bằng sông Hồng, Hồ Hòa Bình còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi” với nhiều đảo lớn nhỏ, khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm, là điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch như: sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch, thể thao …
– Đền Chúa Thác Bờ huyện Đà Bắc và Cao Phong
Đền Thác Bờ là điểm đến trong chuỗi du lịch lòng Hồ Hòa Bình. Lễ hội Đền Bờ được tổ chức thường niên mỗi năm một lần vào ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch. Thời gian lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm. Những năm gần đây, Đền thác Bờ là điểm đến được rất nhiều du khách ưa chuộng.
Thuyết Minh về Tỉnh Hòa Bình
– Thắng cảnh quốc gia Động Thác Bờ
Là điểm du lịch tâm linh thuộc xóm Bưng, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Động nằm trong lòng núi phía Bắc của dãy núi Chủa nhìn ra mặt sông, phía trước bên kia hồ nước là đền Thác Bờ linh ứng.
– Khu danh lam thắng cảnh Chùa Tiên
Là một quần thể có nhiều điểm du lịch xanh, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch dân tộc học như: Đền Trình, đền Mẫu, động Tam Tòa, động Giải Oan… tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy gắn liền những truyền thuyết kỳ bí.
Chùa Tiên tọa lạc dưới chân động Tiên (một di chỉ cổ sinh học) hòa nhập với thiên nhiên kỳ vĩ thơ mộng cách thắng cảnh Chùa Hương 3km là điểm du lịch tâm linh hàng năm đón hàng trăm ngàn lượt khách về trảy hội.
– Khu du lịch Suối khoáng Kim Bôi
Cách thành phố Hòa Bình 30 km, theo quốc lộ 6 qua thị trấn Lương Sơn khoảng 1 km là đến xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi, nơi tọa lạc của dòng suối khoáng tự nhiên tốt cho sức khỏe, từ lâu đã trở thành điểm đến của không ít khách du lịch.
Theo các nhà khoa học, nước khoáng Kim Bôi được xuất lộ ra từ vỉa đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, khi lộ thiên nước có nhiệt độ 34-36 độ C, được đánh giá là suối khoáng có thành phần hóa học ổn định nhất. Qua kiểm nghiệm, nguồn nước khoáng Kim Bôi là điều kiện lý tưởng để phục hồi sức khỏe, giúp chữa các bệnh viêm khớp, đường ruột, dạ dày, huyết áp…
– Khu du lịch Bản Lác, Mai Châu
Từ Hà Nội với hơn 3giờ chạy xe là du khách có thể đến được với huyện Mai Châu nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển. Vượt Thung Khe, đến dốc Thung Nhuối, thung lũng Mai Châu hiện ra trước mắt bạn như một bức tranh với nhiều đường nét và màu sắc sinh động. Đến Mai Châu không thể bỏ qua Bản Lác, bản Pom Coọng với những nếp nhà sàn, những điệu xòe của các cô gái Thái, với cái nồng nàn của men rượu cần và cái sôi động của đêm lửa trại … Tất cả đã tạo nên sức cuốn hút tuyệt vời của Mai Châu, bên cạnh đó, những tuyến đi bộ xuyên rừng cũng là một lựa chọn tuyệt vời khác khi bạn đến Mai Châu.
Thuyết Minh về Tỉnh Hòa Bình
– Bản Mường Giang Mỗ
Bản dân tộc Mường nằm dưới chân núi Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong với hơn 100 ngôi nhà sàn truyền thống nguyên vẹn còn lưu giữ đến ngày nay. Không chỉ những ngôi nhà mà cả trong nếp sinh hoạt hàng ngày cũng mang đậm nét văn hóa truyền thống: cối giã gạo, hệ thống dẫn nước, cung nỏ săn bắn, phương thức làm ruộng cùng các lễ hội cồng chiêng, phong tục tập quán đều mang đậm dấu ấn cổ truyền của người Mường.
– Xóm Cú, xã Tử Nê
Là xóm đồng bào Mường với diện tích hơn 350 ha, cách trung tâm huyện Tân Lạc khoảng 4,5 km với gần 70 nóc nhà và 275 nhân khẩu. Xóm được phủ màu xanh bình yên của cây trái, có dòng suối trong mát chảy quanh. Xóm Cú có nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm và còn lưu giữ, bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống của người Mường, đây là điểm du lịch cộng đồng thu hút nhiều khách đến tham quan du lịch.
– Bảo tàng Không gian văn hóa Mường
Nằm trên một diện tích 5 ha, trên một vạt đồi trong thung lũng đá vôi, Bảo tàng không gian văn hóa Mường được chia thành hai khu vực chính là Khu tái hiện và khu trưng bày. Khu trưng bày là nơi trưng bày theo chủ đề những hiện vật có giá trị như: Cồng, Chiêng, Lư, Ninh đồng hay những hiện vật về đời sống, sinh hoạt văn hóa của người Mường như dụng cụ đánh bắt cá, công cụ dệt, dụng cụ săn bắn, phòng tang ma, dụng cụ sinh hoạt trong gia đình… Khu tái hiện bao gồm không gian rất gần gũi với thiên nhiên, đất trời, tái hiện lại cuộc sống của đồng bào dân tộc Mường xưa và nay …
– Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông (huyện Tân Lạc – Lạc Sơn.
Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông thuộc địa bàn 7 xã của hai huyện Tân Lạc và Lạc Sơn có diện tích gần 19.254 ha, nằm giữa khu vực trung tâm của khu sinh cảnh Cúc Phương – Pù Luông. Khu bảo tồn là đại diện của loại rừng đá vôi miền Bắc Việt Nam, quần thể đá vôi quan trọng mang tính toàn cầu có đa dạng sinh học và tỷ lệ cao về các loài đặc hữu.
Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều xóm làng của đồng bào dân tộc Mường tạo nên một điểm du lịch đầy hấp dẫn. Du khách được tìm hiểu cuộc sống và nét văn hóa độc đáo, ngủ tại nhà của đồng bào Mường, khám phá vẻ đẹp của động Nam Sơn huyền bí, thăm thác Mu, tham gia tour đi bộ xuyên rừng hấp dẫn.
– Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh – Đà Bắc
Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh huyện Đà Bắc với diện tích 5.647 ha, được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan đẹp, rừng nhiệt đới xanh tươi và nằm trong hệ thống rừng phòng hộ sông Đà nối với hồ Hòa Bình mênh mông cùng hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ. Đến đây khách được tham gia tour đi bộ xuyên rừng, ngủ tại bản đồng bào dân tộc Tày, Dao tìm hiểu bản sắc văn hóa, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân nơi đây.
– Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến – Kim Bôi
Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, huyện Kim Bôi có diện tích 5.873 ha nơi có nhiều loài động thực vật quý hiếm như báo gấm, gấu ngựa, thông tre lá ngắn… Khách du lịch đến đây được hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, tìm hiểu nét đa dạng sinh học, thăm bản đồng bào dân tộc Mường nơi còn lưu giữ được các phong tục tập quán truyền thống của vùng Mường Động sau đó về ngâm mình, nghỉ ngơi thư giãn trong dòng suối khoáng Kim Bôi.
– Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò
Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò huyện Mai Châu cửa ngõ lên Tây Bắc nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển với diện tích 7.091 ha có các loài động thực vật quý hiếm như: Gấu, báo hoa mai, thông đỏ, lan hài… Tour du lịch đi bộ nhiều ngày qua các khu rừng nguyên sinh, ngủ tại các bản người Mông, Thái, Mường trở thành địa chỉ quen thuộc được nhiều du khách quốc tế đến tham quan du lịch./.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tại xóm Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, Hoà Bình là nơi diễn ra những trận đánh rất quyết liệt giữa ta và địch, nơi đây gắn với chiến công diệt xe tăng Pháp của anh hùng Cù Chính Lan
Cuối năm 1951, thực dân Pháp mở rộng cuộc tấn công ra vùng tự do của ta ở Hoà Bình, nhằm cắt đứt liên lạc giữa Việt Bắc và Khu 3, Khu 4 để dành lại quyền chủ động trên chiến tr¬ường chính. Ở Hoà Bình chúng thực hiện kế hoạch thành lập “Xứ M¬ường tự trị” để phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Trư¬ớc tình hình đó, Trung -ương Đảng chỉ thị đánh địch trên cả hai mặt trận là Hoà Bình và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cuối tháng 11 năm 1951 Tổng quân Uỷ quyết định mở chiến dịch Hoà Bình.
Trong trận đánh tại Giang Mỗ ngày 13/12/1951, khi quân Pháp lọt vào trận địa, quân đội ta đã nổ súng quyết liệt, diệt gọn một đại đội địch, lúc chuẩn bị rút thì xe tăng Pháp tới tiếp viện, bắn dữ dội vào đội hình của ta, chặn đ¬ường rút và làm nhiều chiến sỹ th¬ương vong. Cù Chính Lan đã nhanh chóng nhảy lên xe tăng, kề tiểu liên vào khe hở trên tháp xe bóp cò, nh¬ưng không diệt được địch do tiểu liên bị hóc, chiếc xe tăng vẫn vừa chạy vừa bắn, Cù Chính Lan đã kêu gọi đồng đội tập trung l-ựu đạn đến cho mình rồi lại tiếp tục nhảy lên, giật nắp quăng lựu đạn vào trong xe, giặc nhặt l¬ựu đạn ném trả lại và lái xe tăng chuyển hướng. Thời cơ diệt xe tăng địch ngay trư¬ớc mắt, với quyết tâm không để xe của địch chạy thoát và tạo thế chủ động cho đồng đội, Cù Chính Lan táo bạo mở chốt lựu đạn một lần nữa, chờ cho khói thuốc xì ra vài giây rồi mới ném vào buồng lái. Kết quả sự nỗ của anh là lựu đạn nổ, giặc bị tiêu diệt, quân đội ta phản công và giành thắng lợi.
Trong chiến thắng oanh liệt tại dốc Giang Mỗ với tinh thần quả cảm tuyệt vời, anh hùng Cù Chính Lan và các chiến sĩ tiểu đoàn 353 trung đoàn 66 đã diệt được xe tăng của thực dân Pháp, mở đầu phong trào đánh xe tăng, phương tiện chiến đấu hiện đại của địch bằng vũ khí thông thư¬ờng. Với chiến công này anh đã được Bộ Tổng Tư lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba với danh hiệu Anh hùng đánh xe tăng. Sau đó không lâu, cuối tháng 12 năm 1951 trong một trận đánh khác, mặc dù bị thương nặng, anh hùng Cù Chính Lan vẫn không rời trận địa, tiếp tục chỉ huy tiểu đội phá nhiều hàng rào dây thép gai tiến vào lô cốt địch, khi quân ta giành chiến thắng cũng là lúc anh trút hơi thở cuối cùng, anh hi sinh khi đang ở độ tuổi 20. Tháng 5/1952 tại Đại hội Chiến sỹ Thi đua toàn quốc lần thứ nhất, liệt sĩ Cù Chính Lan đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đài tưởng niệm chiến công anh hùng Cù Chính Lan đã được Bộ Văn hoá – Thông tin và UBND tỉnh Hoà Bình đầu tư xây dựng năm 1994. Trải qua thời gian, do bị xuống cấp, năm 2009 di tích đã được xây dựng lại tại xóm Mỗ, xã Bình Thanh, khu vực diễn ra trận đánh năm xưa.
Đài tưởng niệm anh hùng Cù Chính Lan, biểu tượng của lòng dũng cảm, lòng yêu nước gắn với bản du lịch dân tộc Mường xóm Mỗ và tuyến du lịch Hồ Hoà Bình, là điểm đến lý tưởng cho du khách mong muốn trở lại thăm chiến trường xưa.
Từ Hà Nội chỉ với hơn 3 giờ xe chạy là du khách đã đến thung lũng Mai Châu ở độ cao trên 800m. Điều đầu tiên bạn được trải nghiệm trong chuyến đi chính là những cung đường đẹp, đồi núi trập trùng. Qua thành phố Hòa Bình rồi đến dốc Cun quanh co, vượt Thung Khe, qua đèo Thung Nhuối, Mai Châu hiện ra trước mắt bạn như một bức tranh với những đường mòn uốn lượn, cụm bản làng, vườn cây, hồ nước, đồng lúa chuyển màu theo mùa vụ
Trong suốt hành trình, bạn sẽ bắt gặp đâu đó những chợ phiên bên ven đường, nơi người dân bản địa bán các sản vật của địa phương cũng như mua sắm hàng hóa thiết yếu từ miền xuôi đem đến; Không khó để nhận ra những tốp người xem lẫn các thiếu nữ dân tộc xúng xính váy áo sặc sỡ hoa văn cùng xuống chợ. Họ có thể mua bán, đi chơi chợ hay gặp gỡ bạn bè. Đối với họ phiên chợ cũng là ngày hội. Đây là nét rất riêng của những phiên chợ vùng cao, khiến bao du khách phải say lòng.
Mai Châu là nơi sống tập trung của đồng bào Thái, những người dân nơi đây còn lưu giữ được khá nguyên vẹn nếp sống, nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên, các tuyến đi bộ qua lối mòn sẽ đưa bạn qua những con suối, khu rừng hay những trang trại trù phú của người dân bản xứ. Nếu muốn hòa nhập để tìm hiểu phong tục của người Thái, xin mời bạn đến những bản làng như bản Lác, bản Pom Coọng, bản Văn, bản Nhót … những ngôi nhà sàn ấm cúng, chủ nhân thân thiện sẽ đón bạn bằng tâm hồn nồng hậu và mến khách. Đêm đến, bạn có thể hòa mình trong lời ca, tiếng hát, điệu xòe hoặc cùng ngồi bên bếp lửa bập bùng, nhâm nhi men rượu cần, cảm nhận cái trong lành của đất trời và sự bình yên, tách xa ồn ào nơi phố thị …
Những năm gần đây, Mai Châu đón một lượng khá đông khách du lịch, các bản đón khách hầu như lúc nào cũng nhộn nhịp. Các dịch vụ tại đây cũng rất phong phú. Về ẩm thực, Mai Châu có nhiều món ăn mang đặc trưng Tây Bắc: cơm lam, xôi nếp nương, măng đắng, rau đồ, thịt gà đồi, thịt nướng hạt dổi …; Về nơi nghỉ, du khách cũng có nhiều sự lựa chọn, nếu thích trải nghiệm tìm hiểu cuộc sống thường nhật, bạn có thể nghỉ tại chính ngôi nhà của người dân trong các bản du lịch, hoặc thích tiện nghi hơn có thể chọn các nhà nghỉ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong thị trấn với giá dịch vụ từ bình dân đến cao cấp.
Mai Châu là điểm đến thích hợp cho tất cả các mùa trong năm, nếu thích cái tinh khôi của hoa Mơ hoa Mận hãy đến vào mỗi mỗi độ xuân về; Từ tháng ba đến tháng tư hoa Ban sẽ nở trắng rừng; Cuối thu là thời điểm mùa vàng với những ruộng lúa chín trải dài khắp thung lũng. Từ đây, bạn có thể tiếp tục chuyến đi ngược lên Sơn La, Điện Biên, khám phá vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của núi rừng Tây Bắc.
Cứ mỗi độ xuân về, vào ngày mồng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, người Mường lại nô nức kéo nhau về thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc để cùng nhau tổ chức và tham dự lễ hội cồng chiêng độc đáo.
Đến với lễ hội, du khách sẽ được xem những màn trình diễn đặc sắc của dàn cồng, chiêng, được hòa mình trong những âm thanh lúc rộn ràng, sôi động, lúc trầm lúc bổng, lúc sâu lắng, nhịp nhàng của tiếng cồng, tiếng chiêng, được tham dự các trò chơi dân gian của người Mường như kéo co, ném còn, đẩy gậy và thưởng thức những món ăn ẩm thực của xứ Mường nơi đây.
Phụ nữ Mường trong phần thi đánh cồng chiêng tại Lễ hội
Lễ hội cồng – chiêng ra đời, tồn tại và phát triển trên nền tảng của nền nông nghiệp lúa nước. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào mùa xuân với ý nghĩa cầu phúc cho bản mường, cầu cho mưa gió thuận hoà, mùa màng tốt tươi, cầu cho sự sinh sôi nảy nở, thịnh vượng phồn vinh. Những năm gần đây, lễ hội được tổ chức vào tháng giêng, với tên gọi “Lễ hội cồng – chiêng khai hạ” nhằm khôi phục, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc Mường.
Lễ hội cồng – chiêng khai hạ gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức vào sáng sớm gồm các nghi thức: ước, tế, lễ Thành hoàng – người có công khai phá cánh đồng Mường Bi. Lễ tế Thành hoàng được trình khấn ngay khán đài trước cửa Hang Bụt, tiến hành theo đúng nghi thức dân gian với các lễ vật dâng lên Thành hoàng làng, rất trang trọng nhưng không sa vào mê tín dị đoan. Nội dung chủ yếu của lời khấn là cầu Thành hoàng ban cho toàn thể dân chúng khoẻ mạnh, yên lành, cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà. Phần lễ diễn ra trang trọng, linh thiêng, tạo cho người dân một niềm tin vào sức mạnh đoàn kết cộng đồng, vào một ngày mai phát triển bền vững.
Sau lễ tế Thành hoàng là nghi thức “Dắt chiêng” – tức là đánh hồn chiêng. Dàn sắc bùa từ 500 – 800 chiếc chiêng – cồng các loại, từ nhiều nơi tập trung về vang lên trầm hùng với liên khúc 3 bài chiêng cổ vừa hoành tráng, vừa thiêng liêng gợi lên nét đẹp văn hoá đặc sắc. Sau hoà tấu cồng – chiêng là cuộc thi sắc bùa giữa các phường bùa. Mỗi phường có một dàn chiêng từ 9 – 20 chiếc, mỗi chiêng có một người đánh. Mỗi phường có một bài chiêng, mỗi lối diễn tấu riêng biệt làm nên bức tranh văn hoá phong phú và sống động. Cuộc thi sắc bùa chọn ra đội đánh hay nhất, cồng – chiêng cổ nhất, bài đánh cổ nhất.
Trong các lễ hội dân gian Mường (nhiều nơi trong tiếng cổ còn gọi là làm chay mường, chay làng), cồng chiêng xắc bùa là nội dung quan trọng không thể thiếu. Cồng chiêng được tấu trong các nghi lễ và là một nghi lễ của các lễ hội được tấu đi đenh quenh – đi vòng quanh nhà đình, chùa hay sân bãi nơi mở hội. Đây không đơn giản chỉ là tấu chiêng cho vui, nó mang ý nghĩa tín ngưỡng thiêng đuổi ma quỷ…
Sau cuộc thi sắc bùa là đến các trò chơi dân gian: đánh đồng mảng, đi cà kheo, chơi đu, ném còn, kéo co, bắn nỏ, hát giao duyên (hát đúm), đặc biệt là cuộc thi ẩm thực. Các món ăn dân gian mang đậm đà bản sắc dân tộc Mường được các đơn vị tham gia thi sưu tầm, chế biến rất phong phú, độc đáo. Khách đến dự hội có thể cùng sinh hoạt ẩm thực, làm nên một không khí ngày hội rất thân ái, đoàn kết.
Buổi tối để lại ấn tượng sâu đậm cho người đến hội với các cuộc giao lưu văn hoá, văn nghệ, thi người đẹp trong trang phục dân tộc. Mọi người tham gia hội cùng nhau uống rượu cần, đốt lửa ca hát. Xung quanh đống lửa bập bùng, trai gái nắm tay nhau múa truyền thống thiết tha được ngân lên giữ núi non đại ngàn, trong màn đêm bao phủ tạo nên cảm giác vừa huyền thoại vừa gần gũi, thân tình, khiến ai đã từng đến đây không thể nào quên được.
Màn hoà tấu Chiêng của 300 nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn trong huyện.
Có thể nói, lễ hội cồng chiêng luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân và du khách gần xa. Lễ hội chính là dịp tôn vinh giá trị nghệ thuật cồng chiêng, di sản văn hóa đặc sắc của nhân loại, đồng thời cũng là dịp để các nghệ nhân cồng chiêng tỉnh Hòa Bình có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nhằm phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của tỉnh, và xa hơn đó là dịp để quảng bá hình ảnh con người, tiềm năng du lịch văn hóa miền sơn cước ra với bè bạn quốc tế./.