Hotline : 0949618811

  • Chất lượng chuyến đi

    Cùng bạn trên mọi nẻo đường
  • T2 - CN

    7h - 18h
  • Tư vấn

    0949618811

Phế tích Phượng Hoàng Trung Đô của Quang Trung

Hiện nay, khu di tích này nằm cách thành Vinh khoảng hơn mười phút chạy xe về hướng Tây, thuộc khuôn viên khu du lịch Lâm viên – núi Quyết. Núi Quyết, có độ cao khoảng gần 100m so với mực nước biển, trải rộng trên diện tích hơn 50ha, trên núi không khí trong lành tươi mát, tầm nhìn thoáng đãng, cùng nhiều công trình lịch sử – văn hóa – tâm linh, đã tạo cho nơi đây nét hấp dẫn riêng bên cạnh những địa điểm du lịch khác của tỉnh Nghệ An. Đứng trên đỉnh núi này, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát toàn bộ cảnh đẹp của thành phố Vinh ở phía Đông, và dòng sông Lam hiền hòa thơ mộng, như một dãi lụa mềm mại vắt qua vùng đất địa linh nhân kiệt này.Trong một lần có dịp đến thành phố Vinh, tôi lấy làm lạ trước tên của một con đường, đó là đường Phượng Hoàng Trung Đô. Sau này, có dịp đọc sách báo, tìm hiểu bạn bè, tôi mới được biết đây là tên của một kinh đô xưa trên đất Nghệ An, do người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ cho xây dựng cách ngày nay đã ngót hơn hai trăm năm.

Lại nói về cái tên Phượng Hoàng Trung Đô, chúng ta hãy bắt đầu từ núi Quyết, ngọn núi có cái thế rất riêng của mình. Dãy núi này gồm bốn đỉnh, thế núi như Long Thủ (đầu rồng), Phượng Dực (cánh phượng), Kỳ Lân và Quy Bôi (tức cồn rùa), đủ để gọi là đất tứ linh (Long – Lân – Qui – Phụng), đất định đô của các bậc thiên tử. Quá trình từ ý tưởng đến chuẩn bị cũng như xây dựng kinh đô này được sử sách nước ta ghi chép lại khá đầy đủ. Khoảng tháng 10 năm 1788, Quang Trung sai Nguyễn Thiếp và Nguyễn Văn Thận cùng phụ trách việc xem đất để chọn làm nơi dựng đô mới của nhà Tây Sơn với tên gọi là Phượng Hoàng Trung Đô. Sắc lệnh có đoạn viết: “Nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, quả cung đã từng mở xem địa đồ, thấy ở huyện Châu Lộc, xã Yên Trường, hình thể rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây kinh đô mới. Thực là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy.” Theo nhiều thông tin bên lề, trước khi ban ra sắc lệnh, Quang Trung đã sai La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đi xem xét thế đất một số vùng. Mới đầu, ông tính chọn đất Phù Thạch, nhưng khi nhận được tấu thư của Trấn thủ Nguyễn Văn Thận rằng Nguyễn Thiếp chưa chịu xem đất nên công trình chưa thể khởi công được, vua Quang Trung liền viết thư trách cứ: Ngày trước, ủy thác cho Phu Tử về Nghệ An xem đất đóng đô cho kịp kỳ này ngự giá ở Bắc về trú. Sao ta về tới đó thấy chưa được việc gì? Nên ta hãy hồi giá về Phú Xuân kinh cho sĩ tốt nghỉ ngơi. Vậy Chiếu ban xuống cho Phu Tử nên sớm cùng ông Trấn thủ Thận tính toán mà làm việc, xem đất đóng đô tại Phù Thạch… hẹn trong 3 tháng thì xong để tiện việc giá ngự. Vậy Phu Tử chớ để chậm chạp không chịu xem. Nhận được Chiếu thư của Quang Trung, Nguyễn Thiếp liền viết một tờ khải gửi vào Phú Xuân khuyên nhà vua không nên xây dựng kinh đô tại Phù Thạch mà chọn vị trí khác là Yên Trường. Lời khuyên của La Sơn Phu Tử được nhà vua đồng ý. Vị trí được vua Quang Trung chọn để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô là khu vực núi Dũng Quyết – ngọn núi nằm giữa núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân (còn gọi là núi Cánh Phượng và núi Con Mèo) ở xã Yên Trường, huyện Châu Lộc – Nghệ An (nên Phượng Hoàng Trung Đô còn có tên gọi là Trung Kinh Phượng Hoàng).

thái nguyên cửa lo nghệ an phượng hoàng trung đô quê
Hiện nay, dưới chân núi Dũng Quyết vẫn còn lưu dấu vết tích của Phượng Hoàng Trung Đô, theo sách La Sơn Phu Tử, thành nội có bờ nam dài 300m, bờ tây dài 450m. Hai vách thành ở phía đông và bắc dựa vào dãy núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân. Bờ thành được xây bằng đất với chiều cao khoảng 20m. Giữa thành có tòa lầu 3 tầng, phía trước có bậc tam cấp xây bằng gạch đá ong, phía sau có hai hành lang nối với điện Thái Hòa. Xung quanh thành có các đồn. Nối với thành bờ nam ở khu vực núi Kỳ Lân có vọng gác chính và phía núi Phượng Hoàng có kho lúa… Thời gian xây cung điện này kéo dài trong khoảng 4 năm (từ năm 1788 đến 1792), giữa khoảng thời gian ấy công cuộc xây dựng gặp nhiều khó khăn khách quan như đói kém mất mùa ở vùng Nghệ An, đó là chưa kể cuộc chiến chống quân Thanh chưa kết thúc hoàn toàn, nên việc tập trung tài lực và vật lực cũng gặp rất nhiều trở ngại. Tuy nhiên, với tinh thần chỉ đạo của Quang Trung: “
Những công việc to, tạm thời hoãn lại. Nhưng Sở Ngũ Hành thì không thể lưỡng lự được, cần phải hoàn thành sớm.” Đánh tan giặc Thanh, Quang Trung đã ra lệnh phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Ông lệnh Trần Quang Diệu (Trấn thủ Nghệ An) huy động thợ thuyền, vật liệu gạch ngói, gỗ đá… để xây dựng lâu đài, cung phủ tại Phượng Hoàng Trung Đô. Sau một thời gian đôn đốc, nhiều tài liệu cho biết về cơ bản công trình đồ sộ này đã hoàn thành, vua Quang Trung đã đến và ở được, thậm chí là đã có lúc vua còn thăng triều ở kinh đô mới này. Bằng chứng thuyết phục nhất là bức thư ông gửi cho Nguyễn Thiếp đề ngày 5 tháng 10 niên hiệu Quang Trung thứ hai (tức năm 1789): “Trẫm nay đóng đô tại Nghệ An, cùng tiên sinh gần gũi. Rồi đây, tiên sinh hãy ra đây mà giúp nhau trị nước.” 

thái nguyên cửa lo nghệ an phượng hoàng trung

Tuy nói việc định đô mới ở đất mới này có phần nhiều là từ yếu tố tâm linh – phong thủy, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn xuất phát từ nguồn gốc xuất thân sâu xa của vị vua áo vải này. Theo các tài liệu mà các nhà nghiên cứu khảo cứu được, thì anh em Nguyễn Huệ có tổ tiên sinh sống nhiều đời ở vùng Hưng Nguyên – Nghệ An trước khi di cư vào phương nam. Việc di cư này cũng mang yếu tố chính trị – lịch sử, khi tổ tiên của họ bị bắt làm tù binh trong cuộc chiến Trịnh – Nguyễn (thế kỷ XV). Cha ruột của Nguyễn Huệ cũng không phải họ Nguyễn mà là họ Hồ. Như vậy, còn điều gì hợp ý trời lòng dân hơn khi một vị vua mới lên ngôi quay về đóng dinh trên chính quê cha đất tổ, vừa dễ dàng thu phục được lòng dân, lại hợp với thời thế khi người dân đã mệt mỏi với cuộc phân tranh quyền lực kéo dài liên miên của các chúa đàng trong lẫn đàng ngoài.

Còn về vị trí địa lý, Nghệ An từ xa xưa đã là vùng chiến lược, cần tiến có thể tiến, cần lui có thể lui trong các cuộc chiến giữ bờ cõi trước sự xâm lăng của các thế lực phương Bắc. Chính Quang Trung đã khẳng định điều này trong thư gửi Nguyễn Thiếp để tỏ ý vì sao muốn đóng đô mới ở đây: “Nay kinh Phú Xuân thì hình thế cách trở. Ở xa trị Bắc Hà, sự thể rất khó khăn. Theo đình thần nghị rằng: chỉ đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về…Tiên sinh xét rõ hưng vong, hiểu thông thời vụ, thì tự hiểu điều ấy.” Thậm chí, trước phút lâm chung, Quang Trung còn có những lời căn dặn chẳng khác nào lời tiên tri đối với tương lai của triều đại do anh em gây dựng nên, khi nói với tướng Trần Quang Diệu rằng: “… Các ngươi nên hợp sức mà giúp thái tử sớm dời đô về Vĩnh Đô (Vinh) để khống chế thiên hạ. Bằng không, quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn thân.” Nhưng cuối cùng điều đó đã không được người kế nghiệp ông hiện thực hóa. Thời gian qua đi, mưa nắng chiến tranh bao phen đã khiến cho Phượng Hoàng Trung Đô uy nghi lộng lẫy ngày nào dần mục nát. Và hơn hai trăm năm sau, ngày nay nơi đây chỉ còn là một vùng phế tích.

thái nguyên cửa lo nghệ an phượng hoàng trung đô quê
Thời gian đã không thể quay ngược, lầu đài cung điện đã là quá vãng, nhưng với mong muốn biến nơi đây thành một khu di tích lịch sử – văn hóa – du lịch, nơi ghi nhớ công đức, tầm nhìn của tiền nhân, chính quyền và nhân dân Nghệ An đã và đang có những kế hoạch cụ thể để xây dựng nơi đây thành một quần thể các công trình du lịch. Theo quy hoạch, khu du lịch Lâm viên – Núi Quyết có tổng diện tích hơn 155ha sẽ bao gồm nhiều công trình, hạng mục như khu công viên rừng, các khu vui chơi giải trí, khôi phục lại những di tích, hình tượng tiêu biểu từ thời xưa khác. Đường lên núi có đường bậc thang nên dễ đi hơn so với việc leo đường mòn. Ở các đỉnh núi, người ta cho phục dựng lại các chòi canh, vọng gác, những nơi nghỉ chân … Một khi lên đến đỉnh, du khách sẽ được thỏa thích ngắm quang cảnh bao la dưới dân núi: làng sen quê Bác ở phía Tây, Cửa Lò rì rào sóng biển ở bờ Đông, trông về Nam có dòng Lam hiền hòa in nặng bóng núi Hồng sừng sững. Thật là một điểm đến lý tưởng ở vùng đất địa linh nhân kiệt này.

 

CÔNG TY DU LỊCH HÀ LINH

Tổ 19, Phường Gia Sàng, Tp Thái Nguyên, T. Thái Nguyên

Website: dulichhalinh.com – thuexethainguyen.net 

Mail: dulichhalinh@gmail.com

Hotline/Zalo: 0949 61 88 11 – 0986 818 629